GM (General Manager) là một trong những vị trí then chốt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về bản chất và tầm quan trọng của vị trí này. Nếu bạn đang tò mò về GM là gì và những trách nhiệm, vai trò mà họ đảm nhiệm trong tổ chức, hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết dưới đây.
GM là gì?
GM là từ viết tắt của General Manager, có thể được hiểu là Tổng quản lý hay Giám đốc điều hành. Đây là vị trí cấp cao trong doanh nghiệp, có nhiệm vụ quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh, đưa ra các quyết định quan trọng và lên kế hoạch cho sự phát triển của doanh nghiệp.
GM có vai trò mang lại sự cải thiện hiệu quả và tăng lợi nhuận bằng cách quản lý các hoạt động của công ty hay một bộ phận nào đó.
Nhiệm vụ của GM là gì?
Tuỳ thuộc vào quy mô và cấu trúc hoạt động của công ty mà các GM có thể đảm nhận nhiệm vụ hằng ngày có phần khác nhau. Sau đây là một số nhiệm vụ chung mà hầu như mọi GM cần thực hiện:
- Lên kế hoạch và giám sát các hoạt động hàng ngày của đội nhóm
- Lên kế hoạch chiến lược dựa trên mục tiêu đã đề ra
- Đánh giá và cải thiện năng suất làm việc
- Tham gia vào quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới
- Duy trì ngân sách và tối ưu hoá chi phí khi cần thiết
- Tổ chức các cuộc họp để thảo luận các vấn đề, đưa ra hướng giải quyết và điểm cần cải thiện
- Báo cáo công việc cho quản lý cấp trên
- Xử lý các khiếu nại của khách hàng
- Chỉ đạo các hoạt động bán hàng, tiếp thị và dịch vụ chăm sóc khách hàng
Kỹ năng và yếu tố cần thiết để trở thành một GM
1. Kỹ năng lãnh đạo
Đây được xem là một trong những kỹ năng quan trọng nhất ở một nhà quản lý, đặc biệt là vị trí GM. GM cần có khả năng định hướng và dẫn dắt đội ngũ của mình. Họ là người có thể truyền cảm hứng cho các thành viên, luôn khuyến khích họ phát triển trong công việc cũng như hướng dẫn cách để đạt được mục tiêu chung.
2. Khả năng giao tiếp xuất sắc
Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, GM cần biết cách truyền đạt thông tin một cách chính xác và hiệu quả, chiến lược được trình bày rõ ràng với các phòng ban để mọi người nắm được mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, khả năng giao tiếp khéo léo và chuyên nghiệp sẽ giúp tạo mối quan hệ tốt đẹp, dài lâu cho doanh nghiệp.
Kỹ năng đàm phán là yếu tố không thể thiếu. GM làm việc trực tiếp với đối tác và khách hàng nên sẽ đạt được nhiều thỏa thuận có lợi cho công ty hơn nếu họ có khả năng đàm phán xuất sắc.
3. Quản lý tài chính hiệu quả
Quản lý ngân sách và tài chính của công ty cũng là một nhiệm vụ quan trọng bên cạnh việc chỉ đạo của GM. GM cần biết cách lập ngân sách và quản lý dòng tiền, đảm bảo nguồn tài chính của công ty được sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả. Để làm được điều này, GM cũng cần có kiến thức về cách đọc hiểu báo cáo tài chính và phân tích số liệu để đưa ra chiến lược phù hợp.
4. Sáng tạo không ngừng
Sự sáng tạo của GM mang lại những phương pháp làm việc mới, cải thiện hiệu quả hoạt động và cạnh tranh trong thị trường đầy biến động. Khả năng đổi mới trong cách giải quyết các vấn đề giúp GM tìm ra những giải pháp sáng tạo, hợp với xu hướng thay vì chỉ làm theo giải pháp truyền thống
5. Khả năng làm việc đa nhiệm
GM thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong cùng một thời điểm, do đó, kỹ năng đa nhiệm là yếu tố rất cần thiết. Tính linh hoạt và khả năng thích ứng giúp GM quản lý các công việc ưu tiên thay đổi và các xung đột khác. GM cũng có thể phân công trách nhiệm công việc một cách phù hợp để họ có thể tập trung vào vấn đề quan trọng nhất tại thời điểm đó.
6. Kỹ năng phục vụ khách hàng
GM tiếp nhận và xử lý khiếu nại của khách hàng nên có thể nói kỹ năng phục vụ khách hàng là chìa khóa thành công cho vị trí công việc này. GM cần biết cách lắng nghe, kiên nhẫn và am hiểu tâm lý cũng như nhu cầu của khách hàng. Có như thế, họ mới có thể đưa ra các giải pháp làm hài lòng khách hàng hiệu quả hơn.
GM đảm bảo khách hàng cảm thấy hài lòng không chỉ trong quá trình trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ mà còn sau khi hoàn thành, thông qua việc hỗ trợ liên tục hoặc giải quyết các thắc mắc sau mua hàng.